Phát triển của đồ gốm hoa lam Trung Quốc Đồ gốm hoa lam

Thế kỷ 14

Xem thêm thông tin: Đồ sứ Cảnh Đức Trấn

Sự phát triển thực sự của đồ gốm hoa lam ở Trung Quốc bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 14, khi nó dần dần thay thế truyền thống kéo dài hàng thế kỷ của đồ sứ miền nam Trung Quốc màu trắng ánh xanh lam và thông thường là trơn (không trang trí), còn gọi là sứ thanh bạch (青白瓷), cũng như đồ sứ Định ở phía bắc. Có sản phẩm tốt nhất và nhanh chóng trở thành khu vực sản xuất chính là nghề sứ Cảnh Đức Trấn ở tỉnh Giang Tây. Đã có một truyền thống đáng kể về đồ gốm được vẽ trang trí của Trung Quốc, được thể hiện vào thời gian đó chủ yếu bằng đồ sành Từ Châu dân dã, nhưng nó không được triều đình sử dụng. Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, màu xanh và trắng mới thu hút được sở thích của các vị vua chúa người Mông Cổ ở Trung Quốc.

Đồ gốm hoa lam cũng bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản, nơi nó được gọi là sometsuke. Nhiều hình dáng và trang trí khác nhau chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng sau đó người Nhật đã phát triển các hình dáng và phong cách riêng.

  • Lọ gốm hoa lam thời kỳ đầu, nửa đầu thế kỷ 14, Cảnh Đức Trấn.
  • Bình gốm hoa lam thời Nguyên (1271-1368), Cảnh Đức Trấn, khai quật tại tỉnh Giang Tây.
  • Đĩa sứ hoa lam, Cảnh Đức Trấn, thời Nguyên (1271-1368).
  • Hũ sứ hoa lam, Cảnh Đức Trấn, thời Nguyên (1271-1368).
  • Hũ gốm hoa lam, trước 1330.

Thế kỷ 15

Với sự ra đời của nhà Minh năm 1368, đồ sứ hoa lam đã bị triều đình xa lánh trong một thời gian, đặc biệt là dưới thời các hoàng đế Hồng Vũ (1368-1398) và Vĩnh Lạc (1402-1424), vì được coi là quá ngoại dị về cảm hứng.[12] Tuy nhiên, đồ sứ hoa lam đã trở lại thời kỳ nổi bật từ thời hoàng đế Tuyên Đức (1425-1435), và một lần nữa được phát triển từ thời điểm đó.[12] Trong thế kỷ này, một số thí nghiệm đã được thực hiện để kết hợp giữa trang trí màu lam dưới men với các màu khác, kể cả trang trí dưới men và trang trí trên men. Ban đầu, màu đồng và đỏ sắt là phổ biến nhất, nhưng chúng khó nung ổn định hơn rất nhiều so với màu xanh lam coban và tạo ra tỷ lệ đồ sứ nung sai màu rất cao, trong đó màu xám xỉn thay thế cho màu đỏ dự tính. Những thí nghiệm như vậy tiếp tục diễn ra trong nhiều thế kỷ sau, với kỹ thuật đấu tháingũ thái kết hợp giữa trang trí màu xanh lam dưới men và các màu khác trong trang trí trên men.

Thế kỷ 16

Một số đồ sứ hoa lam thế kỷ 16 có đặc trưng là chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, chẳng hạn như đồ sứ dùng dưới thời hoàng đế Minh Chính Đức (1506–1521), đôi khi có các văn tự Ba TưẢ Rập,[13] do ảnh hưởng của các hoạn quan Hồi giáo phục vụ trong triều.

Vào cuối thế kỷ này, thương mại đồ sứ xuất khẩu của Trung Quốc quy mô lớn với châu Âu đã phát triển, và cái gọi là phong cách đồ sứ Kraak đã phát triển. Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, đây là một phong cách chất lượng khá thấp nhưng sặc sỡ, thường có màu xanh lam và trắng, đã trở nên rất phổ biến ở châu Âu, và có thể thấy trong nhiều bức vẽ của Hội họa Thời kỳ Hoàng kim của Hà Lan trong thế kỷ tiếp theo; nó nhanh chóng được mô phỏng rộng khắp trong khu vực này.

  • Hũ sứ hoa lam với văn tự Ba Tư, thời Minh Chính Đức (1506-1521).
  • Hộp sứ hoa lam với các chữ Ả Rập và Ba Tư, Minh Chính Đức (1506-1521).
  • Chậu rửa với từ Taharat (sạch sẽ) bằng thư pháp Thuluth, Minh Chính Đức (1506-1521).
  • Hũ gốm hoa lam, Minh Vạn Lịch (1573-1620).
  • Bình gốm hoa lam, Minh Vạn Lịch (1573-1620).

Thế kỷ 17

Trong thế kỷ 17, nhiều đồ gốm hoa lam đã được làm ra để làm đồ sứ Trung Quốc xuất khẩu cho thị trường châu Âu. Phong cách đồ sứ thời kỳ chuyển tiếp, chủ yếu là màu xanh lam và trắng được mở rộng đáng kể phạm vi hình ảnh sử dụng, lấy các cảnh từ văn học, các nhóm hình nhân vật và cảnh quan rộng lớn, thường vay mượn từ hội họa Trung Hoa và các hình minh họa sách in mộc bản của Trung Quốc. Các biểu tượng và cảnh quan châu Âu cùng tồn tại với các cảnh quan Trung Quốc trên những đồ vật này.[13] Trong thập niên 1640, các cuộc nổi dậy ở Trung Quốc và các cuộc chiến tranh giữa nhà Minh và người Mãn đã làm hư hại nhiều lò nung, và vào năm 1656–1684, chính quyền mới của nhà Thanh đã ngừng giao thương bằng cách đóng cửa các hải cảng của mình. Xuất khẩu của Trung Quốc hầu như không còn và các nguồn khác là cần thiết để đáp ứng nhu cầu gia tăng liên tục của người Á-Âu về đồ gốm hoa lam. Tại Nhật Bản, các thợ gốm Trung Quốc tị nạn có thể đã đưa các kỹ thuật làm đồ sứ tinh xảo và men thủy tinh vào các lò nung Arita. Từ năm 1658, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đến Nhật Bản để tìm kiếm đồ sứ hoa lam để bán tại châu Âu. Ban đầu, các lò nung Arita như lò Kakiemon chưa thể cung cấp đủ đồ sứ có chất lượng cho Công ty Đông Ấn Hà Lan, nhưng họ đã nhanh chóng mở rộng công suất. Từ năm 1659–1740, các lò nung Arita đã có thể xuất khẩu một lượng lớn đồ sứ sang châu Âu và châu Á. Dần dần các lò nung của Trung Quốc được phục hồi, và đến khoảng năm 1740, thời kỳ đầu tiên của đồ sứ Nhật Bản xuất khẩu đã gần như ngừng lại.[14] Từ khoảng năm 1640, đồ sứ Delft của Hà Lan cũng trở thành một đối thủ cạnh tranh, sử dụng các phong cách bắt chước thẳng thừng các trang trí Đông Á.

  • Đĩa sứ Kraak Cảnh Đức Trấn với hình dáng điển hình. Bề rộng: 47,3 cm (18 5/8 inch).
  • Lọ sứ thời kỳ chuyển tiếp với hình vẽ là tình tiết trong truyện dân gian về Tư Mã Quang.
  • Đồ sứ hoa lam xuất khẩu, thời Thanh Khang Hy, (1690-1700).
  • Bình sứ hoa lam xuất khẩu với phong cảnh châu Âu, thời Thanh Khang Hy, (1690-1700).
  • Lọ gốm Delft, khoảng năm 1675, đồ đất nung tráng men thiếc.

Thế kỷ 18

Vào thế kỷ 18, đồ sứ xuất khẩu tiếp tục được sản xuất cho thị trường châu Âu.[13] Tuy nhiên, một phần như là kết quả của công việc của Francois Xavier d'Entrecolles, một ví dụ ban đầu về gián điệp công nghiệp, trong đó các chi tiết về sản xuất đồ sứ Trung Quốc được truyền sang châu Âu, xuất khẩu đồ sứ của Trung Quốc nhanh chóng sụt giảm đáng kể, đặc biệt là vào cuối triều đại của hoàng đế Càn Long.[15]

Mặc dù trang trí đa sắc trong trang trí trên men hiện đã được hoàn thiện, nhưng trong họ men hồng (famille rose) và các bảng màu khác, đồ gốm hoa lam chất lượng hàng đầu cho cung đình và thị trường thượng lưu nội địa vẫn tiếp tục được sản xuất tại Cảnh Đức Trấn.

  • Đía sứ hoa lam xuất khẩu, Cảnh Đức Trấn, thời Thanh Càn Long (1736-1795).
  • Đồ sứ hoa lam Trung Hoa xuất khẩu (thế kỷ 18).
  • Đĩa sứ hoa lam chất lượng cao, thời Ung Chính, (1722-1735).
  • Nậm với trang trí dưới men màu xanh lam và đỏ, một kỹ thuật khó, thời Càn Long, 1736-1795.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồ gốm hoa lam http://www.chinaonlinemuseum.com/ceramics-blue-and... http://www.history-science-technology.com/notes/no... http://www.koh-antique.com/lyc/belitung_shipwreck.... http://www.maritime-explorations.com/belitung%20ar... http://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/205489... http://idlethink.wordpress.com/2009/07/14/curating... http://www.asia.si.edu/exhibitions/online/iraqChin... //dx.doi.org/10.1080%2F20548923.2016.1272310 http://www.metmuseum.org/art/metpublications/Japan... http://www.metmuseum.org/works_of_art/collection_d...